1. Nguyên liệu nấu bún riêu chay
Đậu hũ chiên: 200gĐậu hũ non: 1 miếngSữa đậu nành: 1 lítNấm rơm: 150gNấm đông cô (nấm hương): 5 cái Cà chua: 3 quả Cà rốt: 1 củ Củ cải trắng: 1 củ Su su: 1 củ Tỏi tây: 1 nhánhDầu điều: 2 muỗng canh Hạt nêm chay: 10gMuối, đường:10gBún: 1kg Nước me: 1 muỗng canhRau sống ăn kèm: 100g (bắp chuối, xà lách, rau thơm)
2. Cách nấu bún riêu chay thơm ngon, đậm đà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Nấm rơm gọt sạch gốc, rửa sạch rồi lấy 50g nấm rơm băm nhuyễn, phần còn lại cắt đôi. Nấm đông cô ngâm cho mềm, rửa sạch, băm nhuyễn.
Cà rốt, củ cải trắng, su su gọt bỏ vỏ, rửa sạch với nước rồi thái miếng vừa ăn.
Cà chua rửa sạch, cắt bỏ cuống rồi tiến hành cắt muối cau. Tỏi tây rửa sạch, cắt bỏ rễ rồi thái nhỏ.
Bước 2: Làm riêu cua
Đầu tiên, dùng muỗng tán nhuyễn miếng đậu hũ non, sau đó trộn đều cùng nấm rơm, nấm đông cô đã băm nhuyễn.
Sau đó, cho lần lượt 1 muỗng cà phê hạt nêm chay, nửa muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường vào và trộn đều.
Tiếp theo, cho 1 ít dầu ăn vào chảo, đun tới khi dầu nóng cho tỏi tây vào xào tới khi vàng, dậy mùi thơm thì cho hỗn hợp đậu và nấm vào, đảo đều đến khi hỗn hợp săn lại thì tắt bếp, nhắc chảo xuống.
Bước 3: Hầm rau củ
Cho 1,5 lít nước vào nồi, đun ở lửa lớn đến khi sôi thì cho lần lượt củ cải trắng, cà rốt, su su, thêm nửa muỗng cà phê muối vào và hầm trong khoảng 30 phút.
Bước 4: Nấu nước dùng
Sau khi hầm 30 phút, bạn cho vào nồi nước hầm rau củ 1 lít sữa đậu nành, nấu đến khi sữa vừa sôi thì hạ nhỏ lửa. Sau đó, cho thêm vào nồi 1 muỗng canh nước me và khuấy nhẹ để sữa kết tủa thành riêu cua.
Đến khi sữa đã kết tủa thì cho phần riêu đã xào ở bước 2 vào. Sau đó, cho lần lượt cà chua đã cắt múi cau, 100g nấm rơm cắt đôi, 200g đậu hũ chiên vào.
Nêm nếm lại nồi nước với nửa muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh hạt nêm chay.
Bước 5: Hoàn thành
Cuối cùng, bạn cho bún vào tô, múc riêu, đậu hũ, cà chua và rắc một ít tỏi tây lên trên rồi chan nước dùng là hoàn tất.
Bún riêu chay có nước dùng ngọt, đậm đà hương vị đặc trưng từ nước dùng, hòa cùng đậu hũ và riêu cua thấm vị, nấm dai giòn. Món ăn sẽ ngon hơn khi ăn nóng và ăn kèm với rau sống.
3. Một vài lưu ý khi làm bún riêu chay
Để làm bún riêu chay ngon, chất lượng, bạn nên chọn nguyên liệu chuẩn.
Để mua được đậu hũ tươi ngon, bạn nên chọn những miếng đậu hũ có màu trắng ngà tự nhiên như đậu nành, khi cầm lên thấy nhẹ tay, mịn màng và có độ đàn hồi.
Hơn nữa, bạn nên để ý đến mùi của miếng đậu hũ. Miếng đậu hũ ngon nguyên chất thường sẽ có mùi thơm béo đặc trưng của đậu nành.
Không nên chọn mua những miếng đậu có màu ngả vàng vì có thể là đậu chứa nhiều thạch cao. Bạn cũng không nên mua những miếng đậu hũ khô cứng, dễ vụn nát và có thoang thoảng mùi vôi vì đây có thể là đậu đã để lâu hoặc chứa tạp chất, khi ăn sẽ bị nhạt, khô và xốp. Bạn cũng nên lưu ý về hình dạng của đậu hũ không quá vuông, nếu quá vuông thì do chứa nhiều thạch cao.
Với nấm đông cô, nên chọn loại cánh vừa phải, cúp chặt, màu hơi vàng nâu, không chọn loại màu nâu đậm, vì có thể là nấm độc.
Nấm rơm ngon là loại nấm có hình tròn, vẫn còn búp, chưa nở, bóp nhẹ vẫn thấy hơi cứng. Nấm rơm màu đen sẽ ngon hơn với loại màu trắng. Phải chọn loại có màu sắc tươi mới, mùi thơm hấp dẫn. Tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc, tuyệt đối không được mua.
Nên chọn cà chua chín đỏ để món bún riêu thơm ngon hơn.
Nước cốt me là chất giúp sữa đậu nành kết tủa. Nếu không có nước cốt me, bạn có thể thay thế bằng nước cốt tắc hoặc nước cốt thơm.
Nên ngâm nấm rơm với nước bột gạo sẽ giúp loại bỏ đất cát bám trong nấm. Ngoài ra, không làm mất đi độ tươi ngon, ngọt thơm, màu trắng của nấm.
Trong quá trình đun sữa đậu nành trên bếp, bạn thường xuyên khuấy để không bị lắng xuống đáy, gây khét.
Khi sữa bắt đầu kết tủa, bạn nên hạ nhỏ lửa để lớp riêu không bị vỡ nát.
Trong quá trình nấu nước dùng bún riêu, bạn nên nhẹ tay để không làm bể nát phần đậu nành kết tủa.
Cách nấu bún riêu chay như trên đơn giản phải không? Bạn hãy thử làm nhé. Chúc bạn thành công!
>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất