Bài 4: Tạo bước ngoặt trong quản lý vốn nhà nước

Chuyên gia: Nguyễn Ngân GiangChuyên gia: Nguyễn Ngân Giang 11/07/2024

Tăng phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp

Theo ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước được nêu rất rõ tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, tuy nhiên, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đều vận dụng quy định pháp luật như cơ chế đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện hành, chỉ khác về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Nhưng hiện, các doanh nghiệp này lại chưa thuộc đối tượng áp dụng của Luật số 69/2014/QH13 nên quá trình quản lý còn có sự lúng túng, chưa thống nhất. Một số vụ án tại các doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (xảy ra ở Bình Dương; Thành phố Hồ Chí Minh…) là những minh chứng cho thấy nếu không có quy định thuộc đối tượng áp dụng sẽ khó khăn trong quá trình tổ chức, quản lý vận hành vì về bản chất vốn đầu tư tại doanh nghiệp này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, từ các tài sản nhà nước bàn giao…

Các nội dung mới về xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước (Ảnh: NH)

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 với nội dung về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có nhiều điểm mới quan trọng. Cụ thể, theo ông Bùi Tuấn Minh, việc sửa đổi hướng đến xác định rõ việc đầu tư vốn tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia. Đồng thời, xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp không cân đối thu chi vào trong ngân sách nhà nước, Nhà nước với vai trò nhà đầu tư thực hiện quyền chủ sở hữu vốn như các nhà đầu tư khác.

Tại các hội thảo được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 được liên tục tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, đây là một bước ngoặt lớn về chính sách, sự thay đổi quan trọng trong tư duy quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn, sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, việc thay đổi như vậy cũng đòi hỏi nhiều chính sách pháp luật khác phải đồng bộ theo.

Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các nội dung mới về xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước, việc sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới quy trình hoạt động sẽ được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, quan điểm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực hoạt động và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án. Rất cần cụ thể hóa quy định này.

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đề nghị, nên thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên cơ sở tổng thể, mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp, không tách bạch đánh giá theo từng dự án đầu tư để từ đó có thể phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vào vốn điều lệ được duyệt nhằm phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Thực tế, với doanh nghiệp, khi cơ hội kinh doanh đến phải nắm bắt, có thể giai đoạn đầu lỗ, nhưng về sau lãi thì tổng thể vẫn bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước. Trong khi đó, là cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ có vài người thẩm định, lại không có quyền thuê chuyên gia, tư vấn, nên việc thẩm định, phê duyệt rất khó khăn, không thể nắm rõ, khó đánh giá gây chậm trễ, việc sử dụng vốn khó đạt hiệu quả nhất…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước

Bài 4: Tạo bước ngoặt trong quản lý vốn nhà nước PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến

Hiện nay, hiệu quả sản xuất – kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp, chưa tương xứng nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn bị thua lỗ, gây thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công thương chính là những minh chứng rõ nét); chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường do tác động của yếu tố thương mại để thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh; doanh nghiệp chưa chủ động, đa dạng hóa được thị trường, chủ yếu sử dụng thị trường truyền thống. Do đó, không gia tăng được sản phẩm, giá trị gia tăng, doanh thu, lợi nhuận, việc làm. Ngoài ra, việc quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của nhà nước.

Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), hệ thống quy định của pháp luật chưa quy định đầy đủ về việc giám sát cơ quan chủ sở hữu. Hiệu quả quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu và trách nhiệm nâng cao giá trị vốn nhà nước là những vấn đề chưa được thường xuyên xem xét, đánh giá và công bố công khai. Do thiếu cơ chế giám sát, đánh giá thường xuyên đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nên không tạo được áp lực cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…) phải quản lý vốn nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn.

Với những bất cập trên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, Ban soạn thảo sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 đề xuất sửa đổi, điều chỉnh quy định về cơ cấu đầu tư vốn nhà nước theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội, giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp của nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh.

Việc hoàn thiện quy định pháp luật tại Luật số 69/2014/QH13 cần theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Rà soát và tiếp tục mở rộng đối tượng chuyển giao doanh nghiệp, vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tiến tới mô hình các Bộ, cơ quan ngang Bộ không thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại, như chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của Nhà nước. (Ảnh: TL)

Đánh giá cao việc doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện vai trò to lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, thực hiện sứ mệnh điều tiết những bất cập và mặt trái của thị trường khi nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên, bày tỏ sự trăn trở trước sự quan tâm đúng mức của nhiều đơn vị đến việc sửa đổi Luật này hay cơ chế sử dụng lợi nhuận để lại tăng vốn điều lệ tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng chỉ rõ, nếu không khơi thông được nguồn vốn này, sẽ làm suy giảm hiệu lực của một công cụ quan trọng của nhà nước trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những bất cập của quy định hiện hành đã làm chậm, thậm chí làm mất cơ hội của các doanh nghiệp lớn: Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước… Đặc biệt, là vấn đề tự chủ trong sản xuất kinh doanh, quyền tự quyết của doanh nghiệp, như: chi trả lương, thu hút người tài… chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải kịp thời lấp các “khoảng trống” pháp lý đó theo hướng tạo bước ngoặt trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Đánh giá bài viết

Nội dung được tổng hợp và phát triển từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng xã hội với mục đích cung cấp tin tức 24h mỗi ngày và tăng trải nghiệm khách hàng. Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng liên hệ với vfu2.edu.vn để được hỗ trợ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận